Bộ Công an vừa triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến xuyên quốc gia,
với “đầu não” hoạt động nằm ở TP HCM. Số tiền giao dịch của đường dây
này tại các ngân hàng lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Số tiền khá lớn trên đang khiến dư luận quan tâm bởi không biết làm thế
nào các đối tượng đánh bạc phi pháp này có thể chuyển tiền nhanh số tiền
lớn như vậy ra nước ngoài thông qua các ngân hàng. Hiện nay, ngoại tệ
vào Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi nhưng để chuyển ra nước ngoài
đã bị kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối.
Nhiều kẽ hở cho đối tượng xấu chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài. Ảnh: Lệ Chi
|
Trao đổi với VnExpress.net, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước,
chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, việc chuyển tiền ra nước
ngoài hiện nay được quy định khá chặt, và chỉ có hai nhóm đối tượng sau
đây được phép chuyển tiền ra nước ngoài.
Thứ nhất là cá nhân, tổ chức chuyển tiền ra đầu tư ở nước ngoài. Trường
hợp này nhà đầu tư phải đăng ký tài khoản với chi nhánh Ngân hàng Nhà
nước ở các tỉnh, thành. Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài
phải mở tài khoản riêng biệt cho từng dự án.
Thứ hai là chuyển tiền cho mục đích học tập, chữa bệnh, du lịch, đi
công tác, thăm viếng, trợ cấp cho thân nhân, chuyển tiền thừa kế, chuyển
tiền trong trường hợp định cư, trả phí và một số hoạt động hợp pháp
khác. Những trường hợp này đều phải có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ mới được
ngân hàng chuyển tiền.
Do đó, theo ông Minh, để chuyển số tiền lên đến 500 tỷ đồng vào mục
đích đánh bạc, khả năng nhóm đối tượng này đã dùng nhiều chiêu thức để
lách. Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM đã làm việc với phía công an
để xin danh sách những ngân hàng có liên quan đến việc chuyển tiền này
nhằm làm rõ đường đi của số tiền trên. "Nếu là ngân hàng bị lợi dụng thì
sẽ tìm hướng khắc phục, còn trường hợp nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý
nghiêm", ông Minh nói.
Lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh TP HCM cho
rằng, quy định chuyển tiền nhanh ra nước ngoài theo quy định khá chặt, nhưng
khó tránh khỏi một số đối tượng cố tình tìm cách lách. Ông lấy ví dụ như
việc thanh toán đơn hàng. Họ thành lập công ty hẳn hoi rồi tạo ra giao
dịch mua bán ảo. Sau đó hai bên liên lạc qua mail rồi chứng minh với
ngân hàng rằng đang có đơn hàng và cần chuyển một số tiền ra nước ngoài
thanh toán thì nhà băng cũng khó xác minh tính chính xác để mà từ chối
giao dịch.
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, đến giờ cơ quan chức năng vẫn chưa có
quy định nào quản lý hoạt động chuyển tiền cho các giao dịch thương mại
điện tử ra nước ngoài, trong đó có việc kiểm soát lượng tiền thanh toán
qua những loại thẻ visa, master card.
Điều này đồng nghĩa với việc các cá nhân có thể chuyển tiền ra nước
ngoài dưới dạng mua hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài,
vượt qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về chứng từ thanh
toán cũng như số lượng tiền chuyển qua thẻ cá nhân.
Hiện nay, để kiểm soát lượng tiền chuyển ra nước ngoài qua các giao
dịch thanh toán qua ngân hàng, một số nhà băng tại Việt Nam cho biết tạm
thời áp dụng mã chuyển tiền cho vài loại hình dịch vụ. Theo đó, có một
số mã chỉ được phép thanh toán giao dịch trong nước, không được phép
chuyển tiền ra nước ngoài.
"Điểm khó là, nếu ngân hàng mình nghi ngờ giao dịch nào đó thì ngay lập
tức đối tượng ngưng giao dịch và vô tư chuyển sang nhà băng khác sử
dụng nên cũng không làm gì được", một lãnh đạo ngân hàng cổ phần khác
chia sẻ.
Ngoài ra, việc cá nhân dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt ở nước ngoài
cũng khó có thể quản lý được. Và đây là những kẽ hở để các đối tượng lợi
dụng chuyển tiền phi pháp cho các hoạt động cá cược bóng đá, đánh
bạc...